Trang chủ PGS Hội An

PGS và sự thay đổi của người dân Hội An

Ngày 5/4/2014 Hội An đã được nhóm công tác xem xét và lựa chọn là một trong 2 mô hình điểm hỗ trợ phát triển PGS trong chương trình “Hỗ trợ nông nghiệp then chốt các nước tiểu vùng sông Mekong giai đoạn II (CASPII ) do ADB tài trợ được thực hiện qua bộ nông nghiệp & phát triển nông thôn Việt Nam (MARD).

Ngày 5/4/2014 Hội An đã được nhóm công tác xem xét và lựa chọn là một trong 2 mô hình điểm hỗ trợ phát triển PGS trong chương trình “Hỗ trợ nông nghiệp then chốt các nước tiểu vùng sông Mekong giai đoạn II (CASPII ) do  ADB tài trợ được thực hiện qua bộ nông nghiệp & phát triển nông thôn Việt Nam (MARD).  Thúc đẩy phát triển PGS tại 6 nước tiểu vùng sông Mekong (GMSs) trong CASPII là một trong 3 chiến lược trụ cột của chương trình được nhóm công tác nông nghiệp của ADB thực hiện qua sự tư vấn của IFOAM.  Hội An, xuất phát từ nhu cầu thực tiễn của xã Cẩm Thanh, cùng với sự vào cuộc của phòng kinh tế thành phố, và sự hỗ trợ to lớn của tổ chức phí chính phủ địa phương  - Trung tâm hành động vì sự phát triển đô thị (ACCD) - đã được lựa chọn để phát triển PGS tại Việt Nam trong khuôn khổ của chương trình.                                                                      

Tháng 4/2014, song song với tổ chức đào tạo kiến thức canh tác hữu cơ cho nông dân do ACCD  hỗ trợ,  PGS Hội An đã được hình thành cùng một cơ cấu tổ chức và các chức năng nhiệm vụ xác định cho các thành viên trong hệ thống  dưới sự  hướng dẫn của chuyên gia từ IFOAM- Mrs Chris May và Bà Từ Tuyết Nhung trưởng BĐP PGS Việt Nam.

Người ta thường nói: khó mà thay đổi một thói quen. Nhưng với các bác nông dân hơn 40 năm sản xuất nông nghiệp thông thường và chuyển sang canh tác nông nghiệp hữu cơ thì thật sự là một thử thách và cần nhiều thời gian. Tuy nhiên chỉ hơn 1 năm nhen nhóm một ý tưởng về sản xuất hữu cơ và sau 6 tháng đào tạo, thành lập PGS, đồng đất nơi đây đã thay đổi bởi sự nỗ lực của nông dân và tất cả các bên liên quan trong hệ thống PGS Hoi An non trẻ. 

Trước kia, vào vụ sản xuất nông dân chủ yếu trồng ngô, lạc và mùa mưa, nông dân chỉ biết trông trời, và cây trồng chủ lực chỉ là rau lang, một loại rau khỏe có thể chịu được mưa. Nhưng đến nay, trên ruộng lúc nào cũng có ít nhất 30 loại rau khác nhau bào gồm rau ăn lá, củ quả và gia vị,  những rau mà trước đó nông dân không bao giờ nghĩ có thể trồng được ở nơi đây đặc biệt vào mùa mưa.

Có thể nói, trước kia, ruộng ai người ấy làm xong việc là về nhà, nhưng giờ đây, ý nghĩa hơn cả là sự chia sẻ trách nhiệm và kinh nghiệm sản xuất ngay trên đồng ruộng và cả trong những buổi sinh hoạt nhóm sau những buổi làm đồng vất vả. Mối quan hệ giữa các thành viên trong nhóm nông dân trở nên gắn bó và thân thiết với nhau hơn, và đặc biệt tinh thần trách nhiệm của các thành viên được xác định rõ ràng đối với mỗi sản phẩm mình làm ra khi nó được đưa ra thị trường với nhãn hiệu của PGS Hoi An.

Bác Huỳnh Tư chia sẻ  “Ngày nào không ra ruộng thì ăn cơm không ngon và cảm thấy thiếu thiếu gì đấy”. Đó là một sự thay đổi vô cùng lớn trong mỗi người nông dân tham gia vào PGS nơi đây. Còn nhớ những ngày đầu tham gia, người tham gia học về kỹ thuật sản xuất và PGS rồi áp dụng vào sản xuất là chồng bác Huỳnh Tư. Nhưng vì sức khỏe không cho phép nên vợ bác Huỳnh Tư đã thay chồng trực tiếp tham gia sản xuất. Bác đã luôn chủ động học hỏi, tìm hiểu về những tiêu chuẩn, phương pháp canh tác trong sản xuất nông nghiệp hữu cơ. Cộng với sự nhiệt tình chia sẻ giúp đỡ của các thành viên khác và kết quả là ruộng rau của bác luôn đa dạng và tươi tốt. Bác gái đã từng chia sẻ: – nghe bác chia sẻ là một người cán bộ chúng tôi cảm thấy rất vui.

Sản xuất nông nghiệp hữu cơ không chỉ tốt cho sức khỏe của chính nông dân mà còn đảm bảo sức khỏe người tiêu dùng và môi trường xung quanh, cân bằng hệ sinh thái – đây chính là những chia sẻ của bác Đinh Thị Tồn với những học sinh tham quan và học tập tại vườn rau hữu cơ Thanh Đông. Tư tưởng ban đầu của bác là sản xuất nông nghiệp hữu cơ cũng đơn giản thôi, giống như sản xuất bình thường – nhưng qua quá trình sản xuất bác Đinh Thị Tồn đã nhận ra rằng: việc sản xuất nông nghiệp hữu cơ không dễ dàng, yêu cầu sự cần mẫn và tỉ mĩ cao. Tuy với thu nhập chưa thật sự cao, bởi vì chủng loại rau trong vườn vẫn còn ít, năng suất chưa cao, nhưng tư tưởng của Bác đã thay đổi hẳn, bác đã nhận thấy sản xuất nông nghiệp hữu cơ vừa có lợi cho sức khỏe con người, với thiên nhiên lại vừa được chia sẻ với cộng đồng, giao lưu với những thế hệ trẻ qua các buổi tiếp đón các đoàn học sinh về thăm quan và học tập– đây là một niềm tự hào đối với bác. Bác đã ra đồng thường xuyên hơn - dù trời mưa hay nắng. Những hôm xuất rau nhiều, nhà bác lại neo người, bác phải ra đồng từ 4h00 sáng để thu hoạch rau. Thu hái rau, phân loại làm sạch một cách tỉ mẩn và cẩn thận gắn nhãn PGS với cái tên Rau hữu cơ Hội An và ghi tên người sản xuất: Đinh Thị Tồn.

Hiện tại, vườn rau hữu cơ Thanh Đông đã có hơn 100 khách là cán bộ, giáo viên và người dân địa phương liên tục đặt mua rau hữu cơ. Ngoài ra những nhà hàng tại Thành phố Hội An, Đà nẵng cũng đã tìm đến đặt hàng rau, nhưng do không đủ lượng rau nên trong giai đoạn này nhóm nông dân chỉ bán sản phẩm trong khu vực Thành phố Hội An. Hiện PGS Hội An, với logo, nhãn hiệu của hệ thống được gắn trên mỗi túi rau đưa ra thị trường, đang dần trở nên quen thuộc với người dân Hội An khi lựa chọn sản phẩm thật sự chất lượng cho mỗi bữa ăn của gia định. Nhóm sản xuất hữu cơ Thanh Đông, một nhân tố quan trọng trong hệ thống PGS đang chuyển mình từng ngày hiện đang là điểm đến cho các tour du lịch, cho học sinh các trường đại học và phổ thông tại Hội An và Đà Nẵng đến học tập và chia sẻ kiến thức về canh tác hữu cơ. Tính đến nay, sau 6 tháng thành lập nhóm sản xuất hữu cơ  Thanh Đông,  đã có 897 lượt khách đến thăm quan trong đó có 758 lượt khác là học sinh đến học tập, 34 sinh viên đến nghiên cứu, 41 khách đến trải nghiệm và 64 khách du lịch trong đó có 22 khách nước ngoài.

Có thể nói, PGS Hội An mới hình thành từ tháng 6/2014, còn rất nhiều khó khăn nhưng đã làm cho người sản xuất thay đổi rõ rệt về nhận thức và kiến thức và mối quan hệ cộng đồng ngày càng trở nên thân thiết hơn. Cho dù vẫn còn ở quy mô nhỏ, nhưng PGS Hội An đang lan tỏa ảnh hưởng tới cộng đồng Thành Phố. Nhu cầu về sản phẩm hữu cơ ngày càng cao đang đòi hỏi mở rộng sản xuất. Thành phố cùng sự hỗ trợ trực tiếp của các cán bộ phòng kinh tế về các chính sách phát triển, với sự hợp tác chặt chẽ của ACCD đang cố gắng tìm kiếm nguồn kinh phí để tào tạo nguồn lực, đáp ứng nhu cầu của thị trường đang ngày một tăng.